Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển ĐH, CĐ. Điều đáng nói, ngoài Văn, tất cả các môn khác đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Điều này đã khiến nhiều học sinh và phụ huynh hoang mang.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo bộ GD&ĐT đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của thí sinh liên quan đến kỳ thi 2017 sắp tới.1. Việc giao cho các Sở GDĐT chủ trì cụm thi có đảm bảo tính khách quan để sử dụng kết quả kỳ thi?
Trả lời: Năm 2017, Bộ chỉ tổ chức 1 loại cụm thi ở tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước do Sở GDĐT chủ trì. Để đảm bảo tính trung thực, khách quan của kỳ thi, hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh trong quá trình coi thi, chấm thi, trong kỳ thi sắp tới, mỗi thi sinh trong phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng với các câu hỏi khác nhau và có độ khó tương đương.Bài làm của thí sinh được chấm bằng máy quét. Với điều kiện kỹ thuật đó, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ và giám sát của các trường đại học trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi, kết quả của kỳ thi sẽ đảm bảo được độ tin cậy.
2. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh có gì thay đổi so với năm 2016 không?
Trả lời: Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh được thực hiện như năm 2016, do Sở GDĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.Quy chế thi THPT quốc gia 2017 sẽ quy định cụ thể mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đây là giải pháp để góp phần khắc phục tình trạng học lệch.
3. Để được vào ĐH, CĐ, thí sinh có phải thực hiện 2 kỳ thi như trước kia hay không?
Trả lời: Qua 2 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhờ đảm bảo được độ tin cậy, trung thực, khách quan, có tính phân hóa tốt nên hầu hết các trường ĐH, CĐ đều đã sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, không tổ chức thi tuyển sinh riêng, giảm áp lực thi cử và tốn kém.Năm 2017, các trường lựa chọn 4 phương thức tuyển sinh: 1) Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; 2) Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; 3) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; 4) Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Khi Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả trung thực, khách quan như phương án thi tuyển sinh 2017 đã dự kiến thì phần lớn các trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào kết quả Kỳ thi để tuyển sinh.
Chỉ có một số ngành năng khiếu sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu và một số trường/ngành có yêu cầu cao sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được tổ chức theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, luyện thi tràn lan hay gây ra các bức xúc, khó khăn cho thí sinh.
Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt để thí sinh biết.
4. Việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia 2017 để xét tuyển vào ĐH, CĐ như thế nào?
Trả lời: Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải sớm công bố phương thức tuyển sinh của mình.Phương thức tuyển sinh cần chỉ rõ: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; tổ hợp các môn thi/bài thi để xét tuyển vào ngành/khối ngành, hệ số đối với môn thi/bài thi (nếu có); các điều kiện xét tuyển khác...
Thí sinh theo dõi trang tuyển sinh của các trường để nắm thông tin, định hướng ôn tập và nộp đăng ký xét tuyển vào các ngành nghề yêu thích.
5. Thí sinh đã ôn thi theo khối thi truyền thống A, B, C, D, A1 từ trước nay sẽ thi như thế nào?
Trả lời: Đối với các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới Bộ sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển đảm bảo quyền lợi của thí sinh đã ôn tập theo khối thi từ trước. Năm 2015, các trường đã dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống; năm 2016 đã dành ít nhất 50% và dự kiến năm 2017 các trường sẽ dành ít nhất 25%.Tổ hợp các môn thi của các khối thi truyền thống được xác định như những năm trước đây. Các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ không có gì thay đổi. Các môn còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí sẽ lấy điểm thành phần tương ứng của các bài thi tổ hợp.
Cũng như năm 2015 và năm 2016, ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, các trường có thể quy định các tổ hợp xét tuyển mới, bao gồm cả bài thi KHTN hay bài thi KHXH, để xét tuyển vào các ngành nghề phù hợp.
6. Thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ? Liệu có xảy ra tình trạng thí sinh ảo như năm 2016 không?
Trả lời: Năm 2017, để đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh, dự kiến thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của một hoặc nhiều trường và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Điều này làm phát sinh hiện tượng “thí sinh ảo”. Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã và đang tích cực chuẩn bị thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về phương diện quản lý và kỹ thuật.Về mặt quản lý, Bộ sẽ rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ; trên cơ sở đó, yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu sát với nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo thực tế và khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... để tránh hiện tượng xác định “chỉ tiêu ảo” trong tuyển sinh.
Về mặt kỹ thuật, Bộ tiếp tục chuẩn bị các điều kiện ứng dụng triệt để CNTT trong tuyển sinh nhằm giải quyết tình trạng “thí sinh ảo”.
Trong hai năm qua, Bộ GDĐT đã chuẩn bị phần mềm quản lý tuyển sinh có thể lọc ảo và đã tiến hành chạy thử nghiệm trên cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển của các năm 2015 và 2016.
Qua thử nghiệm cho thấy, phần mềm vận hành ổn định có độ tin cậy cao, có thể sử dụng hiệu quả trong năm 2017.
Phần mềm sẽ xác định danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này sẽ được gửi đến các trường để hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường (đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh) để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét